Phát hiện độc tố chưa có thuốc giải trong vụ 3 người nhập viện nghi do ăn nhầm so biển

Phát hiện độc tố chưa có thuốc giải trong vụ 3 người nhập viện nghi do ăn nhầm so biển

Các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hoà đã phát hiện độc tố Tetrodotoxins trong mẫu vật gây ngộ độc cho 3 người dân do nghi ăn nhầm so biển.


Ngày 12/2, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết: Kết quả phân tích độc tố của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, cả 2 mẫu vật gây ngộ độc thực phẩm cho 3 người dân tại thị xã Ninh Hòa đều chứa độc tố Tetrodotoxins với độc tính vượt ngưỡng sử dụng.

Sam biển có hình dáng giống con so biển 3 người dân thị xã Ninh Hoà đã ăn. Ảnh BVCC

Do mẫu không còn nguyên vẹn, việc định danh dựa vào hình thái gặp khó khăn. Nhưng kết quả ban đầu gợi ý mẫu thuộc loài so biển Carcinoscorpius rotundicauda.

Theo Viện Hải dương học Nha Trang, sam/so là loài sinh vật biển, máu của chúng có thể chứa độc tố Tetrodotoxins và một lượng nhỏ saxitoxins. Đây là các chất rất độc, tỉ lệ gây tử vong cao, hiện chưa có thuốc giải.

Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, gây tác động lên thần kinh trung ương, tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, chất độc này chịu được nhiệt độ cao, dù đun sôi, phơi hay sấy khô, độc tố vẫn tồn tại.

Như Tiền Phong đã thông tin, tối 4/2, nhóm khoảng 10 người vào quán hải sản ở thị xã Ninh Hòa gọi hai con sam biển và được quán hấp lên để ăn. Khoảng 30 phút sau, có 3 người trong nhóm này bị tê đầu lưỡi, nôn ói.

Đến ngày 5/2, có 3 bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị, trong đó ông N.V.S. (35 tuổi) có biểu hiện ngưng tim, ngưng hô hấp, hôn mê sâu.

Phát hiện độc tố chưa có thuốc giải trong vụ 3 người nhập viện nghi do ăn nhầm so biển - Ảnh 2.

Con sam biển có hình dáng giống con so biển. Ảnh BVCC

Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa cho biết, hiện có 2 trong 3 bệnh nhân trong vụ ngộ độc nói trên đã xuất viện. Riêng bệnh nhân N.V.S (bệnh nhân nặng nhất) hiện đã tỉnh táo và đang tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc của Bệnh viện Đa khoa Khánh Hoà.

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, nhiều người chưa phân biệt được con so và sam biển nên đã sử dụng nhầm dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì so biển có chứa chất tetrodotoxin cực độc. Con sam có vỏ cứng như mai cua, thân hình tròn vẹt, đường kính khoảng 20cm, dưới bụng có 8 chân càng nhỏ, nặng 2kg, bò như cua, thường đi theo cặp. Còn so biển có hình dáng giống nhưng nhỏ hơn con sam, chỉ đi một mình.
Phát hiện độc tố chưa có thuốc giải trong vụ 3 người nhập viện nghi do ăn nhầm so biển - Ảnh 3.

Cách phân biệt sam biển và so biển. Nguồn MXH.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *