Uống hơn 4g trà mỗi ngày có làm tăng nguy cơ ung thư?

Uống trà tốt cho cơ thể nhưng nếu uống 6-7 cốc mỗi ngày, bạn sẽ phải đương đầu với nhiều rủi ro sức khỏe.

Uống hơn 4g trà mỗi ngày có làm tăng nguy cơ ung thư? - Ảnh 1.

Ảnh: Times of India

“Tôi sợ lá trà nhanh hết hạn nên mới uống thêm, ai ngờ đâu…”, ông Trương, 76 tuổi nói với bác sĩ. Vài giờ trước, ông được gia đình đưa đến bệnh viện vì huyết áp cao và thấy khó chịu trong người.

Căn nguyên bệnh của ông Trương đến từ sở thích uống trà xanh. Nhiều người thân và bạn bè thường cho ông nhiều loại trà khác nhau. Bình thường mỗi ngày, ông thường dùng khoảng 3g trà và uống 4-5 tách mỗi ngày.

Tuần trước, ông phát hiện trong nhà có một ít trà sắp hết hạn. Do không muốn lãng phí trà ngon nên khi pha trà, ông đã cho lượng trà gấp đôi so với trước đây, uống ít nhất 6-7 cốc mỗi ngày.

Kết quả là sau khi uống được một tuần, ông Trương bắt đầu cảm thấy chóng mặt, nhức đầu và các triệu chứng khó chịu khác, huyết áp của ông lên 191/96mmHg. Thấy vậy, gia đình lập tức đưa ông đến bệnh viện điều trị. Sau khi tư vấn và kiểm tra, bác sĩ kết luận ông Trương bị huyết áp cao do uống nhiều trà đặc.

Về điểm này, ông Trương cảm thấy rất khó hiểu. Vì ông nghe rằng uống trà rất tốt cho sức khỏe nhưng bản thân ông lại phải nhập viện. Sau đó, bác sĩ giải thích dù uống trà có thể giữ gìn sức khỏe tốt, trà cần được uống có chừng mực.

Bác sĩ phân tích trà đặc chứa nhiều caffein, uống quá nhiều không chỉ dễ gây chóng mặt, nhức đầu mà còn tăng gánh nặng cho tim, tăng huyết áp, gây khó chịu như tức ngực, đánh trống ngực. Vì vậy, nên uống trà nhạt chứ không uống đậm. Ngoài ra, bác sĩ còn giải đáp nhiều câu hỏi phổ biến của mọi người khi uống trà.

1. Màng trên bề mặt cốc trà là gì?

Bạn có để ý khi trà đen đã pha để nguội sẽ có một lớp màng trên bề mặt trà? Nếu dùng thìa chạm vào lớp màng này, chúng vỡ ra như những tảng băng nổi trên mặt hồ. Đồng thời sẽ có một số chất màu nâu trên đó. Nhiều người tự lý giải rằng lớp màng này xuất hiện vì trong quá trình pha trà, bụi bay vào hoặc nhà sản xuất dùng dầu chiên trà. Người khác tin lá trà có chứa dầu thực vật hoặc sáp.

Trên thực tế, lớp màng trà này được hình thành sau khi các polyphenol trong trà và ion canxi cacbonat (có trong nước sôi pha trà) tương tác với không khí trên bề mặt nước trà cùng các polyme của hóa chất hữu cơ hoặc khoáng chất. Các ion canxi và ion bicacbonat trong nước tạo ra phản ứng oxy hóa polyphenol trong trà, giải phóng các cacbonat và hydroxit không hòa tan bám trên bề mặt chất hữu cơ, do đó tạo thành màng trà.

Nói chung, độ cứng của nước pha trà càng cao thì càng chứa nhiều ion canxi và càng dễ tạo thành màng trà. Độ cứng của nước được quyết định bởi hàm lượng khoáng chất hòa tan trong nước. Nó không phải bởi một chất duy nhất mà do nhiều ion kim loại đa hóa trị hòa tan. Trong đó, chủ yếu do muối có chứa các thành phần ion Ca2+ và Mg2+ tạo thành.

Vậy tại sao chỉ trà đen mới tạo thành màng trà, còn trà xanh, trà trắng, trà cung đình hay trà ô long thì không? Điều này là do so với các loại trà khác, trà đen được lên men hoàn toàn và thời gian lên men lâu hơn nên mức độ oxy hóa của polyphenol có thể lên tới 70% -95%.

2. Nghiên cứu 500.000 người tại Đại học Bắc Kinh: Uống hơn 4g trà mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư?

Năm 2019, kết quả một nghiên cứu với 500.000 người Trung Quốc trưởng thành đăng trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu cho thấy uống hơn 4 g trà mỗi ngày có thể làm tăng 46% nguy cơ ung thư dạ dày. Nghiên cứu này do nhóm của Giáo sư Li Liming từ Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Bắc Kinh thực hiện về tỷ lệ mắc ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vú ở phụ nữ và ung thư cổ tử cung. Nhóm nghiên cứu thấy rằng so với những người uống trà ít hơn một lần mỗi tuần, những người uống hơn 4 g trà một ngày tăng 26% nguy cơ ung thư tổng thể, và nguy cơ ung thư phổi, ung thư dạ dày tăng lần lượt là 62%, 29%. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều người uống trà cũng hút thuốc và uống rượu.

Vì vậy, sau khi loại trừ ảnh hưởng của thuốc lá và rượu, họ phát hiện ra việc uống trà không liên quan đến tất cả các bệnh ung thư. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra trong số những người uống trà hàng ngày, nguy cơ mắc tất cả các bệnh ung thư tăng theo mức độ hút thuốc hoặc uống rượu. Điều này cho thấy uống trà không làm giảm nguy cơ gây ung thư của thuốc lá và rượu. Vì vậy, nghiên cứu này không chứng minh việc uống trà sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, mà cho thấy rượu, thuốc lá mới gây độc hại tới sức khỏe.

Trà chứa hàng trăm hóa chất hữu cơ, bao gồm các polyphenol như catechin, anthocyanin, các alkaloid như theophylline, caffeine và theobromine. Trong số đó, chất polyphenol trong trà có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có thể loại bỏ hiệu quả các gốc tự do dư thừa gây hại cho cơ thể con người. Hơn nữa, polyphenol trong trà và các sản phẩm oxy hóa của chúng có thể hấp thụ các chất phóng xạ, giúp ngăn ngừa và điều trị tổn thương do bức xạ. Chất caffein trong trà có tác dụng làm sảng khoái tinh thần, lợi tiểu, giảm mệt mỏi.

Ngoài ra, caffein, vitamin B1 và vitamin C trong trà có thể thúc đẩy quá trình tiết dịch vị giúp tiêu hóa tốt, phân giải và ngăn ngừa tích tụ chất béo. Nói chung, uống trà đúng cách tốt cho sức khỏe.

3. Tôi vẫn có thể uống trà sau khi nó hết hạn?

Nhiều người dự trữ một ít trà ở nhà và quên uống cho tới khi nó hết hạn sử dụng. Có người cho rằng, lá trà để càng lâu càng tốt, trong khi những người khác lo lắng uống trà hết hạn có hại cho sức khỏe. Vậy quan điểm nào là đúng?

Thực tế, các loại trà khác nhau có thời hạn sử dụng khác nhau, điều này chủ yếu liên quan đến công nghệ chế biến trà. Ví dụ, trà đen là loại trà được lên men hoàn toàn, và hương vị sẽ ngon nhất nếu được bảo quản trong vòng ba năm.

Trà xanh là loại trà không lên men. Do đó, thời hạn sử dụng của trà xanh ở nhiệt độ phòng thường khoảng một năm và không thể bảo quản quá lâu.

Trà Phổ Nhĩ có thể chia làm hai loại là trà sống và trà chín, thời hạn sử dụng của trà sống thường khoảng 5 năm, càng để lâu càng thơm. Thời hạn sử dụng của trà nấu chín thường hơn 15 năm, càng để lâu hương vị trà càng đậm đà.

So với trà đen, trà trắng có giá trị bảo quản cao hơn. Sau một thời gian dài chuyển hóa, hương vị và chất lượng được cải thiện, nhưng điều kiện tiên quyết là việc bảo quản trà phải thực hiện đúng cách.

Hạn sử dụng ghi trên bao bì trà thực chất là “thời kỳ uống ngon nhất”. Trước thời điểm đó, mùi thơm và vị của trà ở mức tốt nhất. Có thể uống trà sau ngày hết hạn hay không tùy thuộc vào việc trà có bị hư hay không. Nếu bạn thấy lá trà có mùi ôi hoặc mốc, màu lá trà trở nên vàng đậm, lá trà không còn độ “giòn” và nước trà đã pha trở nên đục, tất cả những điều này cho thấy lá trà đã bị hỏng, không thể uống.

4. Những người nào không nên uống trà?

Trà có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng thích hợp uống trà. Những người dưới đây không nên uống trà.

– Bệnh nhân viêm loét dạ dày

Bệnh nhân viêm loét dạ dày, viêm teo dạ dày mãn tính hay loét hành tá tràng không nên uống trà, đặc biệt là trà đặc hoặc uống trà khi bụng đói. Bởi axit tannic và caffein trong trà có thể kích thích niêm mạc dạ dày, tăng tiết axit dịch vị, dẫn đến vết loét trầm trọng hơn. Nếu những bệnh nhân này thường xuyên uống trà đặc còn có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

– Người bị chứng loạn nhịp tim

Chất caffein trong trà có thể khiến tim đập nhanh hơn và làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, mạch máu não.

Những người thường xuyên bị rối loạn nhịp tim, người nhạy cảm với trà và cà phê, nếu uống trà khi bụng đói có thể gây chóng mặt, đau đầu, đánh trống ngực và các loại khó chịu khác. Đồng thời, uống trà cũng làm tăng gánh nặng cho tim và khiến bệnh trầm trọng hơn.

– Người mất ngủ, suy nhược thần kinh

Cafein trong trà có tác dụng làm hưng phấn trung khu thần kinh. Đối với những người mất ngủ hoặc suy nhược thần kinh, vì họ nhạy cảm hơn với caffeine, không nên uống trà sau 15h để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

– Người già

Người cao tuổi nên uống trà nhạt và điều độ, uống trà ngay sau khi pha, uống ít sau bữa ăn, không uống trước khi đi ngủ và không uống cùng thuốc. Lý do vì trà có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, người cao tuổi nên tránh uống trà nếu bị cường giáp.

Axit tannic trong trà sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng như protein và sắt, vì vậy người già bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc suy dinh dưỡng không nên uống trà.

Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi bị xơ cứng động mạch nặng hoặc huyết áp cao không nên uống trà đặc khi tình trạng bệnh không ổn định, để tránh làm cho huyết áp tăng cao và khiến bệnh thêm trầm trọng.

Hằng Trần (Theo Aboluowang)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *