Phong tục chọn tuổi xông đất và xuất hành đầu năm chứa đựng một triết lý nhân sinh cũng như triết lý về vũ trụ quan sâu sắc của người Việt Nam ta. Để làm cuộc sống ngày một tốt đẹp lên, chúng ta không thể không biết khai thác những tri thức trong phong tục tự ngàn xưa mà tổ tiên để lại.
Đặt la bàn sẽ biết được đông, tây, nam, bắc, đông bắc… sau đó chuyển thành cửu cung như hình dưới mà bố trí. |
A. Chọn người xông đất
Một số nước Á Đông, trong đó có Việt Nam, rất coi trọng tục lệ xông đất vào đầu năm mới. Người ta cho rằng, chọn được người xông đất đầu năm mới phù hợp sẽ đem lại nhiều may mắn và thuận lợi cho cả năm đó. Trong tứ thời tiết nạp, cụ Phan Kế Bính có viết: “Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt buôn may”. Ở Việt Nam, những năm trước đây, người ta quan niệm đầu năm ai bẻ được cành cây càng to thì lộc càng lớn. Lộc đầu năm thì không biết nhưng cứ sau đêm giao thừa, cây cối xác xơ không còn sắc xuân tươi tắn nữa. Giờ đây, người dân cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên và môi trường. Xông đất là để mong cầu được những điều tốt lành, đó cũng là một tục lệ đẹp, một nét văn hóa cổ truyền.
Chọn tuổi xông đất
Người Việt Nam rất quan tâm đến người xông đất đầu năm cũng như chọn tuổi người khai trương cửa hàng hay khánh thành nhà cửa. Dân ta tin rằng, người xông nhà có vía tốt sẽ đem lại tài lộc. Do đó, người ta thường xem tuổi để chọn người xông nhà, xông đất, hoặc giả nhờ ai đó trong họ hàng bạn hữu có vía tốt lành trong năm đó tới xông nhà họ. Khi chọn tuổi xông đất, thường phải kết hợp so sánh các yếu tố về can – chi giữa Thái Tuế với người xông đất và gia chủ, tùy theo yêu cầu cụ thể.
a. Chọn hàng chi:
Ở đây, người ta thường xét theo nhị hợp hoặc tam hợp về hàng chi của Thái Tuế so với tuổi của người đến xông đất. Nhưng phải tránh xung tuổi với gia chủ. Ví dụ: Năm 2020 thì Thái Tuế là Canh Tý.
Nhị hợp, gồm có Tý hợp Sửu, Dần hợp Hợi, Mão hợp Tuất, Thìn hợp Dậu, Tị hợp Thân và Ngọ hợp Mùi.
Năm 2020 Canh Tý thì chọn người tuổi Sửu đến xông đất là hợp.
Nhưng rất chú ý là tuổi người đến xông đất phải không được xung với tuổi của gia chủ. Ví dụ: Năm Tý chọn người tuổi Sửu đến xông đất là hợp Thái Tuế nhưng nếu gia chủ là tuổi Mùi thì phải kiêng tránh.
Tam hợp, gồm có Thân – Tý – Thìn, Tị – Dậu – Sửu, Dần – Ngọ – Tuất và Hợi – Mão – Mùi.
Ví dụ: Năm Tý có thể chọn người tuổi Thân và Thìn đến xông đất là hợp (cũng có thể chọn tuổi Tý nhưng mức độ đẹp kém hơn vì là khí Phục vị). Tuy nhiên, gia chủ tuổi Dần không nên chọn người tuổi Thân, gia chủ tuổi Tuất không nên chọn người tuổi Thìn.
Thông thường người ta thích chọn tuổi nhị hợp hơn vì chọn theo tam hợp cần phải có đủ ba người mới được coi là Toàn cát.
Ngoài ra, có thể chọn theo Tam hội cục thì càng đẹp vì Tam hội cục chiếm toàn bộ tụ khí nên lực mạnh. Cách này đẹp nhất, giống như Tam hóa liên châu nhưng lại khó thực hiện bởi phải đảm bảo kết hợp đủ cả năm Thái Tuế cộng với tuổi của gia chủ và tuổi của người xông đất để tạo thành thế Tam hội mới được.
Tam hội gồm có: Hợi – Tý – Sửu, Dần – Mão – Thìn, Tị – Ngọ – Mùi và Thân – Dậu – Tuất.
Ví dụ: Năm Tý gia chủ tuổi Hợi có thể chọn người tuổi Sửu. Hoặc gia chủ tuổi Sửu có thể chọn người tuổi Hợi đến xông đất là đẹp nhất. Như vậy, hàng chi phải đòi hỏi hợp hội.
Ngoài ra, nếu gia chủ có nhu cầu cụ thể về Lộc, Mã, Quý nhân thì chọn như sau:
Chọn Lộc theo Giáp lộc ở Dần, Ất lộc ở Mão, Mậu lộc ở Tị, Đinh – Kỷ lộc ở Ngọ, Canh lộc ở Thân, Nhâm lộc ở Hợi và Quý lộc ở Tý. Nếu chọn lộc của người đến xông đất mà hợp với gia chủ là tốt nhất.
Năm Canh Tý chọn người tuổi Thân là chọn Tài lộc.
Chọn Mã (mong muốn cầu thuận lợi cho việc xuất ngoại hay đi xa) theo nguyên tắc:
Thân – Tý – Thìn mã ở Dần,
Dần – Ngọ – Tuất mã ở Thân,
Tị – Dậu – Sửu mã ở Hợi,
Hợi – Mão – Mùi mã ở Tị.
Năm Canh Tý chọn người xông đất tuổi Dần là có Mã tinh.
Chọn Quý Nhân theo nguyên tắc Giáp – Mậu quý nhân tại Sửu – Mùi,
Ất – Kỷ quý nhân tại Tý – Thân, Bính – Đinh quý nhân tại Dậu – Hợi, Canh – Tân quý nhân tại Ngọ – Dần và Nhâm – Quý quý nhân tại Mão – Tị.
Năm Canh Tý chọn người tuổi Ngọ, Dần là chọn Quý nhân.
b. Chọn hàng can:
Tùy theo nhu cầu của chủ nhà thích cái gì thì chọn theo hình thức ấy. Có thể chọn hợp quan nếu muốn thuận lợi cho công việc hay quan chức, hoặc chọn Tài (phát tài), chọn hợp Ấn (thuận lợi cho học hành, thi cử) hay chọn hợp Phúc để giải trừ các họa bệnh tật đang có.
Có 2 cách chọn.
1. Chọn theo can chi Thái tuế Canh Tý
2. Chọn theo can chi tuổi chủ nhà
Chọn theo Thái tuế Canh Tý ta có:
* Theo can Canh: Tùy yêu cầu của chủ nhà để chọn cầu Tài – Cầu Quan – Cầu Ấn Tín – Cầu phúc.
+ Cầu Quan: Chọn người tuổi can Đinh để công việc hanh thông, thuận lợi.
+ Cầu Tài lộc: Chọn người tuổi can Ất.
+ Cầu Phúc: Chọn người tuổi can Nhâm để hóa giải tai họa, ốm đau, kiện tụng, bất hòa, cầu sức khỏe, tuổi thọ.
+ Cầu Ấn Tín: Chọn người tuổi can Kỉ. Học hành thi cử, bằng cấp, học vị.
Chọn tuổi đã là một sự rất cầu kỳ và không phải dễ dàng, nhưng muốn hoàn hảo người ta còn phải chọn được những người phúc hậu hay vận tốt, kỵ những người đang bị vận xấu đến xông nhà. Như kỵ những người trong năm bị hoạn nạn (cháy nhà, mất của, tai nạn, súc vật chết, đáo tụng công môn, kỵ những người cha mẹ không song toàn, vợ chồng bất hòa, sinh con một bề, kỵ những người bủn xỉn, keo kiệt, vía dữ…).
Như vậy, người đến xông đất phải là người nhẹ vía, thoáng tính và quan trọng hơn cả là người đó vận phải đẹp, tức là vận đang đi lên. Tránh chọn người vận xấu đang đi xuống, hay ốm đau bệnh tật hoặc có bụi (nhà có tang, sảy thai…). Cũng thường chọn đàn ông xông đất, vì Tết là khí Lập xuân dương khí bắt đầu phát triển còn yếu (thiếu dương) nên rất sợ âm khí và tiêu diệt dương trưởng. Chính vì thế phải chọn nam giới để dương khí của nhân sẽ bổ khuyết cho dương khí của Tiên thiên vượng lên. Mặt khác, dương khí tượng trưng cho người quân tử, vì thế phải chọn nam giới để lấy khí dương vào nhà, mọi việc mới trôi chảy. Nếu tự mình xông đất cho mình thì không hay lắm, ví như là phục vị vậy.
Cầu quan, cầu phúc đến chùa, Cầu tài lộc, ấn tín đến đình, đền, phủ.
Hoa đào phai. |
B. Chọn phương xuất hành
Tục xuất hành đầu năm cũng như tục chọn tuổi xông đất, có một chiều sâu văn hóa mà nếu không đi sâu vào nghiên cứu những lớp trầm tích của nó sẽ không thấy hết. Tục xuất hành đầu năm trong dân gian Việt Nam đã thể hiện một quan niệm về vũ trụ quan sâu sắc và chứa đậm tính triết lý Thiên nhân cảm ứng.
Tục xuất hành đầu năm trong dân gian Việt Nam bao gồm hai vấn đề là: Chọn ngày giờ cát xuất hành và chọn phương xuất hành để đón được cát khí trong năm mới.
Theo Phong tục xuất hành đầu năm, cứ mỗi năm khi đến tiết Lập xuân là lúc trời đất giao hòa, khi đó cát khí (khí Huyền hiếu) sẽ bắt đầu tại một phương nào đó trong không gian. Nếu con người xuất hành vào ngày đó nhất là lại được đến nơi có cát khí ngưng tụ thì sẽ đón và hấp thụ được cát khí, có thể giúp cho con người giao hòa tốt hơn với thiên nhiên mà cầu phúc, xu cát tị hung.
Theo nguyên lý sóc vọng: Kể từ lúc giao thừa, người ta đã bước sang năm mới. Sau khi mọi người trong gia đình chúc tụng lẫn nhau, người ta thường kén hướng và kén giờ để xuất hành, mong được may mắn cả năm. Tùy theo tuổi của mình và tùy theo năm âm lịch mà người ta chọn hướng xuất hành phù hợp. Tuy nhiên, thường sau 3 ngày tết người ta mới kén ngày tốt, giờ tốt trong tiết Lập xuân và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để mong có được một năm hoàn toàn may mắn. Như vậy, gọi là chọn ngày giờ xuất hành.
Phương xuất hành được tính dựa trên cơ sở 12 cung địa bàn, Tinh đồ cung vị, Can tàng ẩn và 28 Tinh đẩu (Nhị thập bát tú), trong khí quản nguyệt tướng có khí Huyền hiếu là phúc lành của trời đất đem tới nhân gian. Phương xuất hành năm Canh Tý 2020 được tính làm hai lần, dựa trên sóc vọng và tiết khí để tìm phương có khí Huyền hiếu, nếu đơn thuần tính theo sóc vọng chỉ đạt chừng 30 tới 40%, nếu theo tiết khí mới được đầy đủ. Khí Huyền hiếu thường có Lộc, Phúc, Thọ, Quý, Quan. Tùy theo từng năm mà mỗi người cụ thể có thể nhận được chừng một tới hai khí mà thôi. Sau khi tới nơi linh địa đón khí Huyền hiếu về, ta còn dùng phép Dẫn tướng khí quy đường để đón phúc lành về gia đình mới thực sự trọn vẹn. Tuy nhiên, phép này cần biết tuổi của gia chủ, cùng với các thông số cụ thể của căn hộ đó mà tính toán trên cơ sở lục thập hoa giáp long của Y trạch kinh mới có được, nên phần sau chỉ nói tới phương xuất hành có khí Huyền hiếu mà thôi.
Các nhà chuyên môn có hai cách tính lịch: Theo sóc vọng là tính theo ngày 1 và 15 hàng tháng âm lịch và cách hai là tính theo tiết khí.
Năm Canh Tý 2020 lập xuân giờ Dậu 17 giờ 18 phút ngày 11 tháng Giêng năm Canh Tý (mùng 4 tháng 2 năm 2020) như vậy là tết Nguyên đán năm Canh Tý đang trong tiết Đại Hàn. Ngày Lập Xuân mới chính thức là ngày bước sang năm mới. Phương xuất hành đại cát theo sóc vọng và theo tiết khí như sau:
1 – Theo sóc vọng: Ngày 1 tết đang là tiết khí Đại Hàn. Do đó, khí Huyền Hiếu đầu năm Canh Tý rơi vào cung Ngọ, Phương chính Nam. Vậy phương Nam là phương xuất hành đại cát đầu năm từ mùng 1 tết đến hết ngày 10 tháng Giêng. (cách này chỉ chiếm 30 tới 40% bởi lúc này chưa tới tiết lập xuân).
2 – Theo tiết khí: Ngày Lập Xuân là ngày 11 tháng Giêng, tiết khí lập xuân khí Huyền Hiếu rơi vào cung Thân, vậy phương xuất hành đại cát tiết khí Lập Xuân là phương Tây Nam.
Phương xuất hành đầu năm được tính dựa theo trung tâm khu vực mình đang sinh sống. Ví như, Hà Nội tính theo cột cờ Hà Nội, các tỉnh thành khác tính theo vị trí của UBND tỉnh, thành phố đó.
C. Bố trí phòng khách ngày Tết
Phong tục Việt Nam trồng cây Nêu trước nhà để trừ tà ma. Trong 7 ngày Tết, thần Thổ Địa về trời, vì vậy phải trồng cây Nêu trấn ma quỷ vào nhà. Đến nay, phong tục này không còn nữa, thay vào đó là trồng cây đào, cây quất, cây mai ở trước nhà hoặc trong phòng khách. Thực chất, đào, mai, quất là cây Nêu ngày Tết. Cây đào để trấn sát, đặt ở cung sát khí, cây quất để nghênh đón tài lộc. Cây mai để nghênh tiếp quý nhân, cầu phúc thọ đặt ở các cung sinh vượng khí.
Hầu hết các gia đình đều chuẩn bị trang trí phòng khách để đón mừng năm mới. Phòng khách được coi như là minh đường, đường nguyên, đường thượng, nơi tụ khí của ngôi nhà. Vì vậy, trang trí phòng khách ngoài ý nghĩa trang hoàng cho đẹp, tôn nghiêm, trang trọng còn có ý nghĩa trấn sát trừ tà, nghênh tiếp cát khí, tài lộc, quan ấn phúc. Việc sắp xếp các vị trí đào, mai, quất trong phòng khách cũng phải được tính toán trên cửu tinh bàn. Chọn cung sinh vượng khí đặt cành mai, cung tài khí đặt cây quất, cung thoái khí có thể đặt mai, quất, đào đều được cả.
Trên nguyên tắc chia phòng khách thành 9 ô đều nhau (cửu cung) rồi phân định đông, tây, nam, bắc, đông bắc, tây nam…
Năm Canh Tý 2020 nên bài trí phòng khách như sau:
1. Phương nam, phương bắc đặt cây quất.
2. Phương tây nam, phương đông bắc, phương đông nam, phương đông và trung tâm đặt cây mai.
3. Phương tây bắc đặt cây đào.
4. Phương tây đặt cả 3 cây: Đào, mai, quất đều được.
Đặt la bàn (có thể dùng la bàn trên điện thoại thông minh) vào trung tâm phòng khách tìm phương vị cửu cung, xét vượng suy rồi tùy theo địa hình của phòng khách để đặt các cây cảnh cho thích hợp.
Một số gia đình khá giả còn dùng các loại tranh cổ, chữ thư pháp, thư dịch, tranh chữ Phúc, Lộc, Thọ, đồ cổ, gỗ lũa, đá quý… Theo thứ tự ưu tiên nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ gỗ. Các vật phẩm này đều đặt ở các cung sinh vượng khí để kích hoạt Tài Lộc, Phúc, Thọ, Ấn Tín, quan chức, công việc.
Thái Hòa Bùi Đình Ngọc (Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy)
(Theo Lao động Online)