Giống như bất kỳ chất bổ sung hoặc chất dinh dưỡng nào, axit béo omega-3 cũng có thể có một số tác dụng phụ nếu như bạn lạm dụng hoặc sử dụng sai cách.
Axit béo omega-3 vốn đã rất nổi tiếng với những công dụng tuyệt vời dành cho sức khỏe. Theo Viện Dinh Dưỡng, chất béo omega-3 vô cùng cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt, cho sự phát triển hoàn hảo hệ thần kinh. Không những thế, omega-3 còn tốt cho tim mạch, làm giảm huyết áp, loại bỏ mỡ máu xấu…
Tuy nhiên, giống như bất kỳ chất bổ sung hoặc chất dinh dưỡng nào, axit béo omega-3 cũng có thể có một số tác dụng phụ nếu như bạn lạm dụng chúng hoặc sử dụng sai cách.
6 tác dụng phụ có thể gặp khi lạm dụng omega-3
1. Tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím ở người đang dùng thuốc làm loãng máu
Axit béo omega-3 có đặc tính làm loãng máu tự nhiên, có lợi cho những người có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, những người đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc bị rối loạn chảy máu nên thận trọng, vì hấp thụ quá nhiều omega-3 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím.
2. Các vấn đề về tiêu hóa
Một số người có thể cảm thấy khó chịu nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy khi bổ sung omega-3. Để giảm thiểu những tác động này, nên bắt đầu với liều lượng thấp và tăng dần theo thời gian.
3. Chóng mặt, buồn nôn
Một số loại axit béo omega-3, chẳng hạn như dầu gan cá, có thể chứa hàm lượng vitamin A cao. Hấp thụ quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến ngộ độc, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và thậm chí có thể gây hại cho gan. Do đó, điều cần thiết là phải kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm bổ sung và tránh tiêu thụ quá nhiều.
4. Cảm giác vị tanh
Bổ sung dầu cá, một nguồn omega-3 phổ biến, đôi khi có thể để lại dư vị tanh hoặc gây ợ hơi ở một số người. Các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn các chất bổ sung tinh khiết, chất lượng cao có thể giúp giảm bớt những tác động khó chịu này.
5. Gây phản ứng với thuốc
Các chất bổ sung omega-3 có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc huyết áp, thuốc làm loãng máu và thuốc chống viêm. Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung omega-3.
6. Gây ra các phản ứng dị ứng
Mặc dù hiếm gặp, nhưng một số người có thể bị dị ứng với cá hoặc động vật có vỏ, dẫn đến phản ứng bất lợi khi tiêu thụ chất bổ sung omega-3 có nguồn gốc từ những thực phẩm này. Những người ăn chay trường hoặc những người bị dị ứng hải sản nên xem xét các lựa chọn thay thế từ thực vật như chất bổ sung omega-3 từ tảo.
Lưu ý khi uống omega-3
Axit béo omega-3 mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và thường an toàn khi được tiêu thụ với liều lượng khuyến cáo. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chất bổ sung nào, chúng có thể gây ra tác dụng phụ ở một số người, đặc biệt khi dùng quá mức hoặc kết hợp với một số loại thuốc.
Do đó bạn cần hiểu rõ quy tắc khi uống omega-3:
– Nếu trong quá trình bổ sung omega-3 mà xuất hiện các tác dụng phụ như đã nói đến ở trên thì cần dừng ngay và tham vấn ý kiến bác sĩ.
– Trước khi bổ sung omega-3 bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe để xác định liều lượng thích hợp và đánh giá khả năng tương tác với các loại thuốc khác mà bạn có thể đang dùng.
– Thời điểm bổ sung omega-3 đường uống tốt nhất là buổi sáng vì đó là lúc cơ thể có thể hấp thu nó một cách tốt nhất, những người bị mất ngủ nên uống omega-3 sau bữa tối.
– Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) thì người không có tiền sử với bệnh tim mạch có thể ăn cá béo 2 lần/tuần. Lượng omega-3 được cho là an toàn với người lớn khi không vượt quá 300mg/ngày.
– Ngoài uống viên bổ sung omega-3, bạn có thể bổ sung loại axit béo này thông qua một số loại thực phẩm như: cá hồi, cá thu, cá trích, hàu, cá mòi, hạt lanh, hạt chia, đậu nành, quả óc chó, rau lá xanh đậm…