SKĐS – Giảm cân đòi hỏi phải tạo ra sự thiếu hụt năng lượng, thường đạt được bằng cách giảm năng lượng nạp vào (tức là hạn chế năng lượng) và/hoặc tăng tiêu hao năng lượng (tức là tập thể dục).
Nếu bạn tìm hiểu về giảm cân hoặc muốn trở nên khỏe mạnh hơn, có lẽ bạn đã bắt gặp cụm từ: nhịn ăn gián đoạn.
Trong vài năm qua đã có hàng nghìn người ủng hộ phương pháp nhịn ăn gián đoạn, từ những người nổi tiếng đến những người đam mê thể dục. Họ khẳng định cách ăn này giúp họ giảm cân tốt hơn các phương pháp ăn kiêng khác. Cùng tìm hiểu để biết liệu phương pháp này có thực sự giúp bạn giảm cân?
1. Nhịn ăn gián đoạn giảm cân nhưng có thực sự tốt?
Có nhiều kiểu nhịn ăn gián đoạn khác nhau, bao gồm nhịn ăn cách ngày (bạn nhịn ăn hoặc hạn chế lượng calo cách ngày), chế độ ăn kiêng 5:2 (ăn bình thường 5 ngày một tuần, sau đó nhịn ăn hoặc hạn chế lượng calo trong 2 ngày ), và ăn uống theo giới hạn thời gian (trong đó bạn ăn tất cả lượng calo trong ngày trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như chỉ ăn trong 8 giờ, sau đó nhịn ăn trong 16 giờ). Nhưng chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc nhịn ăn gián đoạn tốt hơn chế độ ăn kiêng thông thường.
Nhiều người thấy việc nhịn ăn gián đoạn linh hoạt và dễ thực hiện hơn các chế độ ăn kiêng khác.
Nhịn ăn gián đoạn làm giảm lượng thức ăn bạn nạp vào nhưng nó cũng có nhược điểm. Phương pháp này vừa làm giảm khối lượng hoạt động thể chất, vừa làm giảm mức độ gắng sức của chúng ta khi tập luyện.