BVĐK tỉnh Sơn La tiếp nhận điều trị cho 6 bệnh nhân (4 người lớn và 2 trẻ em) trong cùng một gia đình tại huyện Mai Sơn nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn do ngộ độc nấm.
Qua khai thác bệnh sử được biết, bữa tối cùng ngày cả gia đình cùng ăn nấm dại tự hái trên rừng, nấm có màu nâu đỏ, thân trắng.
Sau ăn khoảng 2-3 phút, cả 6 người đều có dấu hiệu ngứa khắp khoang miệng, họng đồng thời xuất hiện đau bụng, buồn nôn và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bệnh nhân đang được thầy thuốc BVĐK tỉnh Sơn La điều trị. Ảnh: BVCC
Sau thăm khám, 6 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nấm có chứa muscarin giờ thứ nhất, tiên lượng nặng. Tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La , các bác sĩ tiến hành xử trí rửa dạ dày, truyền dịch lợi tiểu, nhuận tràng và sử dụng than hoạt điều trị giải độc cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, được xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khỏe ở nhà.
Ngộ độc nấm thường chia làm 2 loại, ngộ độc nhanh và ngộ độc chậm. Đối với nấm gây ngộ độc nhanh, sau khi ăn đến dưới 6 tiếng sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy…
Các trường hợp ngộ độc sớm thường được chẩn đoán, điều trị kịp thời, ít gây tử vong. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là loại gây ngộ độc chậm (6-40 giờ sau ăn), phổ biến là các loại nấm chứa độc tố amatoxin gây tổn thương gan, suy gan. Các ca ngộ độc chậm, chất độc đã ảnh hưởng đến các tạng trong cơ thể, bệnh nhân đến viện muộn nên việc điều trị rất khó khăn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
ThS.BS Mè Thị Xuân – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La khuyến cáo, người dân không nên tự ý hái các loại nấm lạ, nấm dại trong rừng để ăn. Nếu không may bị ngộ độc nấm, trong vòng 2 tiếng đầu khi có các dấu hiệu ngộ độc phải gây nôn, sau đó ngay lập tức đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.