Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố liên quan đến lối sống như chế độ ăn uống. Vậy, những thực phẩm nào có thể hỗ trợ ngăn ngừa căn bệnh này?
1. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.
Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là những phụ nữ trên 45 tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa ung bướu, các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú bao gồm: tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì , ít vận động và một số yếu tố di truyền.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: chế độ ăn uống, sinh hoạt vận động… có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, vẫn chưa biết chính xác cách một số yếu tố nguy cơ này khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư. Các hormone dường như cũng đóng một vai trò trong nhiều trường hợp ung thư vú, nhưng điều này xảy ra như thế nào thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ.
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư vú. Nhưng có những điều chị em phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh, đó là duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên hoạt động thể chất, cho con bú bằng sữa mẹ… Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh cũng góp phần hỗ trợ ngăn ngừa căn bệnh này.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú.
2. Những thực phẩm nào có thể hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú?
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV K Trung ương : Người bệnh ung thư vú cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm khác nhau để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như:
- Rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh, cải bắp… trong các loại rau này có chưa nhiều vitamin A, vitamin K, vitamin C, acid folic, chất xơ và magie. Ngoài ra, trong đó còn chứa các chất có hoạt tính sinh học khi được chuyển hóa trong cơ thể như là các chất chống oxy hóa có thể giúp phòng ngừa ung thư vú.
- Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi… giàu chất béo omega – 3 và vitamin D có tác dụng phòng chống ung thư và giảm độc tính trong quá trình điều trị hóa chất cho bệnh nhân ung thư vú.
- Các loại rau củ quả có màu như cà rốt, bí đỏ, khoai lang là những thực phẩm chứa nhiều caroten, chất này sẽ được chuyển hóa thành vitamin A vào trong cơ thể có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa giàu canxi, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người bị ung thư vú nếu ăn chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt gia cầm (so với chế độ ăn nhiều đường, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là thịt chế biến sẵn) có tỷ lệ sống tốt hơn.
Chế độ ăn thực vật rất giàu chất xơ và vitamin giúp người bệnh ung thư vú tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng, giảm tác dụng phụ của điều trị hóa chất, xạ trị…