Kem bôi “ba thành phần” được nhiều hiệu thuốc coi là “bảo bối” khi giới thiệu cho bệnh nhân gặp các vấn đề về da. Tuy nhiên, đây lại là nỗi ám ảnh của bác sĩ.
Đầu tuần trước, chị X.Q (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương với tình trạng toàn thân đỏ ửng, ngứa ngáy, một vài chỗ bong vảy vì nhiễm nấm toàn thân.
Người phụ nữ này chia sẻ một tháng trước, chị chỉ ngứa nhẹ, ửng hồng ở một vài chỗ kín đáo, có nếp gấp như nách, bẹn… Chị ra hiệu thuốc gần nhà, mô tả triệu chứng và được nhân viên bán cho thuốc về bôi.
Sau vài ngày, tổn thương lan dần. Thậm chí, một tháng sau, chị bị ửng đỏ nhiều điểm khác trên cơ thể, phải vào viện khám gấp.
Tiếp nhận bệnh nhân, Tiến sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), chẩn đoán chị bị nhiễm nấm da, cần dùng thuốc kháng nấm, điều trị trong 1 tháng.
Theo bác sĩ, không ít bệnh nhân từ vết nấm da nhỏ ban đầu đã lan ra toàn thân, bong vảy, chảy dịch, nấm ở tóc, móng tay chân, thậm chí nguy cơ thành nhiễm trùng nấm hệ thống vì điều trị sai cách. Sai lầm này khiến thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, sau Tết, thời tiết nồm ẩm, bệnh nhân đến khám các bệnh về da do nấm, virus, vi khuẩn nhiều hơn trước đó.
“Hầu như ngày nào bác sĩ cũng tiếp nhận nhiều ca nấm da, nấm tóc, móng… Không ít người từng nhiễm nấm trước đó nhưng không có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu nên không đi khám. Khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như nồm ẩm, mưa phùn, bệnh mới bùng phát, trở nặng. Thậm chí, có ca lở loét toàn bộ vùng cổ, chảy dịch, mùi khó chịu, ngứa ngáy… vì nhiễm nấm”, bác sĩ Minh cho hay.
Theo vị chuyên gia này, xét nghiệm là cách duy nhất chẩn đoán chính xác bệnh nấm da. Dù vậy, nhiều người khi thấy da ngứa, đỏ hồng…, nên tự chẩn đoán mình bị viêm da hoặc mô tả triệu chứng với nhân viên nhà thuốc và được kê thuốc ba thành phần để “bao vây bệnh”.
“Thuốc ba thành phần còn được ví như loại thuốc ‘trị bách bệnh’ đối với các cửa hàng thuốc tự kê đơn. Với loại thuốc này, người bệnh bị viêm da dị ứng dùng có thể đỡ triệu chứng. Tuy nhiên, nếu nhiễm nấm, hay trốc, vi khuẩn thì bệnh sẽ bùng phát mạnh hơn khi dùng thuốc này. Trong thời tiết nồm ẩm, bệnh viêm da cơ địa rất ít gặp, hầu hết là các bệnh liên quan tới virus, vi khuẩn và nấm, bôi thuốc này coi chừng rước họa”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ khuyến cáo người dân cần giữ sạch khăn rửa mặt; thường xuyên thay vỏ gối, chăn ga; tuyệt đối không mặc quần áo khi còn đang ẩm. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, môi trường sống sạch sẽ, khô thoáng, hạn chế mở cửa để tránh hơi ẩm tràn vào nhà, có thể sử dụng điều hòa, máy hút ẩm, khăn khô để hút hơi ẩm trong không khí trong nhà.