TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho rằng, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành cần tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.
Phóng viên: Thưa ông, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản đưa một số bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế về cho Hà Nội quản lý, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
TS .BS Mai Văn Mười : Chúng ta cần hiểu, vai trò của các bệnh viện trung ương thuộc Bộ Y tế phải được coi là những sư đoàn quân chủ lực, tinh nhuệ, được đầu tư mạnh về trang thiết bị y tế hiện đại, có giáo sư – tiến sĩ giỏi, bác sĩ đầu ngành ở nhiều chuyên khoa mũi nhọn. Họ vừa làm tốt công tác khám, điều trị, vừa làm công tác nghiên cứu chuyên sâu, hợp tác quốc tế…
Ngoài làm tốt những điều trên, bệnh viện tuyến trung ương còn có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới (bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa tỉnh…).
TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam. Ảnh: ĐĐK
Khi có dịch xảy ra, bệnh viện tuyến trung ương – nơi tập trung các chuyên gia giỏi khi nhận được “lệnh” của Bộ Y tế phải sẵn sàng lên đường đến bất cứ địa phương nào của cả nước, thậm chí họ sẽ lại ở xã để trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh. Nếu vượt quá khả năng trang thiết bị tại chỗ, người bệnh sẽ được đưa về bệnh viện trung ương điều trị cho đến khi hết bệnh đồng thời phục vụ nghiên cứu khoa học lâu dài. Bởi y học không chỉ chữa hết bệnh là xong nhiệm vụ. Nghiên cứu khoa học trong y tế là nghiên cứu dựa trên mỗi cá thể, nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tật để dự báo và đưa ra phác đồ điều trị đúng.
Tôi còn nhớ, cách đây vài năm khi có “bệnh lạ” xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi , Bộ Y tế và trực tiếp đồng chí Bộ trưởng khi đó là PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các chuyên gia đầu ngành của Bộ, các thầy thuốc giỏi của một số bệnh viện chuyên khoa thuộc Bộ đã đến trực tiếp thăm khám, điều trị, tìm ra nguyên nhân.
Người bệnh của Quảng Ngãi được điều trị bởi chuyên gia da liễu giỏi của Bộ Y tế đã khỏi bệnh. Và quan trọng nhất là các chuyên gia của Bộ đã tìm ra nguyên nhân, trị tận gốc căn bệnh, đem lại bình yên cho người dân Quảng Ngãi.
PV: Tỉnh Quảng Nam đã đón nhận được hỗ trợ như thế nào từ các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế thời gian vừa qua, thưa ông?
TS.BS Mai Văn Mười : Thay mặt ngành y tế Quảng Nam, người bệnh Quảng Nam tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế và các đơn vị, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong nhiều năm qua.
Đơn cử như đợt dịch COVID-19 cách đây 3 năm ở tỉnh, chúng tôi đã nhận được sự chi viện kịp thời từ sở chỉ huy tiền phương Bộ Y tế đóng tại Đà Nẵng, do nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng bộ phận. BV Bạch Mai đã cử đoàn cán bộ y tế hùng hậu vào chống dịch, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tỉnh Quảng Nam.
Bác sĩ, chuyên gia đầu ngành hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm của BV Chợ Rẫy có mặt tại Quảng Nam đem theo thuốc đặc trị điều trị bệnh nhân ngộ độc do cá ủ chua.
Tỉnh Quảng Nam chúng tôi cũng đã đón nhận nhiều đoàn chuyên gia giỏi ở các bệnh viện chuyên khoa thuộc Bộ Y tế đến chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ chuyên môn.
Mới đây nhất khi xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc do cá ủ chua , chuyên gia của BV Chợ Rẫy đã bay ra, đem theo thuốc đặc trị, đào tạo, hướng dẫn bác sĩ Quảng Nam sử dụng thuốc và điều trị cho bệnh nhân.
Chỉ đơn cử những ví dụ nhỏ kể trên có thể thấy các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành cần tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.
Tuyến tỉnh của chúng tôi rất mong muốn và đợi chờ ở vai trò dẫn dắt của bệnh viện thuộc Bộ Y tế trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tuyến dưới. Điều này luôn đúng và nhất là trong thời điểm hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông