Nhiều người có thói quen vừa ăn lẩu vừa uống bia, trà có đá. Nhưng thói quen này tiềm ẩn nguy hiểm với sức khỏe.
Đau dạ dày
Theo Chengdu Commercial Daily , ông Lin, 66 tuổi ở Thành Đô (Trung Quốc), đã uống nước đá khi ăn lẩu. Hậu quả, ông phải nhập viện do dạ dày tổn thương, khoang bụng nhiễm trùng nặng.
“Nồi lẩu vừa nóng vừa cay nên tôi uống chút bia lạnh, nước đá. Cảm giác rất sảng khoái”, ông Lin kể. Nhưng trở về nhà sau khi ăn xong, ông cảm thấy bụng đau như bị dao cắt.
Kết hợp đồ rất nóng và rất lạnh dễ gây hại cho dạ dày. Ảnh minh họa: Lifestyleasia
Ban đầu, ông nghĩ bị ngộ độc do lẩu mất vệ sinh. Tuy nhiên, khi đến Khoa Cấp cứu, bác sĩ phát hiện ông Lin bị thủng dạ dày, đường kính khoảng 1,5cm.
Tăng huyết áp
Những người khỏe mạnh, ăn uống điều độ sẽ ít gặp vấn đề trên. Tuy nhiên, nếu có bệnh nền, người vừa ăn lẩu vừa uống nước đá không chỉ đau dạ dày mà còn đối mặt với một số mối nguy hiểm do huyết áp tăng vọt.
Theo Yangtze Evening News, gia đình cô Huang tụ tập tại một nhà hàng lẩu vào cuối tuần. Khi ăn xong, cô đột nhiên cảm thấy đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Các bác sĩ tại Khoa cấp cứu của Bệnh viện số 1 Nam Kinh cho hay cô Huang đã dùng nước lẩu nóng và nước đá cùng lúc khiến huyết áp tăng vọt.
Bác sĩ Xu Qingcheng cảnh báo nếu có cách ăn như trên, một người có thể cảm thấy khó chịu ở đường tiêu hóa, huyết áp dao động thất thường, có thể xảy ra tình trạng thiếu oxy, gây nhồi máu cơ tim.
Đồ uống lạnh sẽ khiến các mạch máu trong dạ dày và ruột co lại, tăng tiết adrenaline, làm tăng huyết áp ; nước lẩu nóng sẽ khiến mạch máu giãn ra và hạ huyết áp. Thay đổi đột ngột mức độ nóng – lạnh của đồ ăn gây hại cho huyết áp.
Lẩu là món ngon mùa đông nhưng có nhiều lưu ý khi ăn để tránh bệnh. Ảnh minh họa: SKL
Đau bụng đi ngoài
Theo Qingdao Evening News , cô Zhang, 26 tuổi, đã uống vài cốc nước ép dưa hấu có đá khi đang ăn lẩu. Đột nhiên cô bị đau bụng không chịu nổi. Cô không chỉ nôn mửa mà còn đi vệ sinh nhiều lần liên tiếp, buộc phải vào bệnh viện.
Bệnh viện Haici Qingdao cho hay nếu ăn đồ sống hoặc nấu chưa chín, vi khuẩn trong thực phẩm có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, vị cay của lẩu kích thích dạ dày và gây tiêu chảy ở những người có chức năng tiêu hóa yếu.
Nhiệt độ của các món nhúng lấy ra từ nồi lẩu rất cao, nếu không cẩn thận sẽ gây bỏng miệng và niêm mạc thực quản. Một số người uống bia, nước lạnh để giảm độ nóng sôi. Nhưng tình trạng nóng – lạnh thất thường như vậy dễ khiến dạ dày khó tiêu, gây tiêu chảy.
Bác sĩ Fu Zhiquan, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Tây Y Thượng Hải, cũng cho rằng ăn lẩu và uống đồ có đá sẽ kích thích co thắt mạch dạ dày, làm chậm nhu động đường tiêu hóa, giảm tiết dịch tiêu hóa.