Để miêu tả sự đau lòng, nhiều người hay nói ‘tôi cảm thấy như trái tim mình bị xé toạc’ hay ‘đau lòng đến tan nát trái tim’…
Đau lòng là một trải nghiệm không ai muốn gặp, nhưng nó vẫn xảy ra ở thời điểm nào đó trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta đau lòng khi mất đi người thân, người mình yêu quý hoặc là một mối quan hệ bị rạn vỡ… Trong chuyện tình cảm, cụ thể là tình yêu, thất tình chính là một nguyên nhân khiến con người ta cảm thấy vô cùng đau lòng.
Đau lòng có thể gây ra một sự căng thẳng không nhỏ, đặc biệt nếu đó là sự mất mát đột ngột. Sự căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến cả cảm xúc và thể chất, sẽ mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm mới “hồi phục” lại được.
Mối liên hệ mật thiết giữa nỗi đau và thể chất khi thất tình
Các nghiên cứu cho thấy rằng bộ não của bạn ghi lại “nỗi đau cảm xúc” giống như nỗi đau thể xác. Đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy sự đau lòng của mình dường như đang gây ra tổn thương thể xác thực sự. Chính vì vậy mà để miêu tả sự đau lòng, nhiều người hay nói “tôi cảm thấy như trái tim mình bị xé toạc” hay “đau lòng đến tan nát trái tim”… Và các nhà khoa học cũng kết luận rằng, những cuộc chia tay có thể gây ra các nỗi đau thể xác và ảnh hưởng sức khỏe.
Theo tác giả Meghan Laslocky, người đã viết nhiều sách về sự tan vỡ, tác giả cuốn “The Little Book of Heartbreak: Love Gone Wrong Through the Ages” đã cho rằng sở dĩ nỗi đau có thể ảnh hưởng thể chất là do sự kích hoạt đồng thời của cả hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm.
Hệ thần kinh đối giao cảm chịu trách nhiệm xử lý chức năng khi bạn thư giãn như tiêu hóa hoặc sản xuất nước bọt, nó làm chậm nhịp tim và nhịp thở. Trái lại, hệ thần kinh giao cảm lại làm cho cơ thể sẵn sàng hành động và gửi các hormone đi khắp cơ thể. Do đó làm tăng nhịp tim và đánh thức cơ bắp của bạn. Khi bạn thất tình, cả hai hệ thần kinh được bật lên đồng thời và điều này làm cơ thể khó chịu.
Thất tình còn có thể dẫn đến suy nhược. Theo Jennifer Kelman, nhân viên xã hội lâm sàng và huấn luyện viên cuộc sống được cấp phép tại Mỹ, đau lòng có thể dẫn đến thay đổi cảm giác thèm ăn, thiếu động lực, giảm cân hoặc tăng cân, ăn quá nhiều, đau đầu, đau dạ dày…. Không những thế, một số người sau khi chia tay người mình yêu có thể sẽ dần trở nên cô lập, sống thu hẹp lại và rút khỏi nhiều mối quan hệ khác. Thậm chí họ còn hạn chế giao tiếp cả với những người xung quanh.
Đau tim và hội chứng trái tim tan vỡ
Khi nói về một “trái tim tan vỡ”, có thể bạn sẽ chỉ nghĩ rằng đó là sự tổn thương nhất thời về mặt tình cảm. Nhưng “trái tim tan vỡ” ngoài đời thực lại là một tình trạng y tế, có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Hội chứng tim tan vỡ là một “bệnh tim” tạm thời với các triệu chứng giống như cơn đau tim. Hội chứng trái tim tan vỡ còn gọi là hội chứng Takotsubo hay hội chứng Gebrochenes-Herz. Nó giống bệnh đau tim ở chỗ đều gây khó thở và đau ngực. Tuy nhiên, trong hội chứng tim tan vỡ, bạn không bị tắc nghẽn động mạch vành hoặc tổn thương tim vĩnh viễn. Và sau đó bạn có thể hồi phục hoàn toàn.
Cũng không giống như một cơn đau tim, hội chứng trái tim tan vỡ xảy ra khi một tác nhân gây căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc đột ngột làm cho cơ tim của bạn suy yếu nhanh chóng.
Hội chứng trái tim tan vỡ ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?
Một cơ tim yếu có thể phá vỡ nguồn cung cấp máu tới tim và khả năng bơm máu của nó. Nếu tim của bạn không bơm hiệu quả sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ cơ thể vì mọi tế bào trong cơ thể bạn đều dựa vào nguồn cung cấp oxy ổn định mà máu của bạn mang theo.
Nguyên nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ
Một cuộc nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Heart Journal cho biết, quả tim của chúng ta có thể “phát nổ” vì những cảm xúc tiêu cực. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu này đã khảo sát trên 1750 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim Takotsubo ở Mỹ và 8 nước châu Âu. Trong đó, họ tìm ra được 485 bệnh nhân mắc bệnh là do một sự kiện nào đó từng gặp phải, gây xúc động thái quá từ quá khứ. Có tới 95% bệnh nhân trong cuộc nghiên cứu này là nữ giới.
Bên cạnh đó, họ xác định 96% các trường hợp mắc bệnh là do những sự kiện đau buồn trong cuộc sống về tình yêu hay căng thẳng từ công việc và 4% còn lại là do những cảm xúc tích cực khi cảm thấy phấn khích trong một số sự kiện.
Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ là gì?
Bạn có thể cảm thấy các triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi căng thẳng. Việc giải phóng hormone căng thẳng tạm thời làm choáng cơ tim của bạn, tạo ra các triệu chứng tương tự như một cơn đau tim điển hình.
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng tim tan vỡ bao gồm:
– Đau ngực đột ngột, dữ dội (đau thắt ngực) – một triệu chứng chính.
– Khó thở – một triệu chứng chính.
– Nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim).
– Huyết áp thấp (hạ huyết áp).
– Tim đập nhanh.
– Ngất xỉu (ngất).
Các biến chứng của hội chứng trái tim tan vỡ rất hiếm gặp, nhưng có thể bao gồm: Phù phổi; Vỡ tâm thất trái của tim; Tắc nghẽn lưu lượng máu từ tâm thất trái của bạn; Suy tim; Cục máu đông trong tim; Sốc tim; Tử vong.
Năm 2018, Hiệp hội Tim mạch của Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đã đưa ra lời kết luận về việc điều trị hội chứng này: “Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả mà chủ yếu dựa trên sự hồi phục của chính bản thân bệnh nhân. Bệnh nhân phải suy nghĩ tích cực hơn để thoát khỏi ra những cảm xúc tiêu cực và tích cực do quá phấn khích, từ đó trái tim mới dần ổn định lại bình thường”.