Người bệnh có thể bị hội chứng trái tim tan vỡ khi gặp cú sốc lớn trong cuộc sống như nhận tin dữ, căng thẳng hoặc trải qua ca đại phẫu.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hội chứng trái tim tan vỡ có biểu hiện tương tự như một trường hợp nhồi máu cơ tim. Đại đa số người gặp hội chứng này là phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
Theo bác sĩ Định, người bệnh rơi vào tình trạng đau ngực, khó thở khi gặp cú sốc về tinh thần hoặc thể chất. Cú sốc đó có thể là nghe tin người thân qua đời hay gặp tai nạn, mắc bệnh nan y, vừa phẫu thuật hoặc có các tổn thương quá mức chịu đựng.
Người bị hội chứng trái tim tan vỡ thường lầm tưởng mình bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành sẽ không ghi nhận mạch vành bị hẹp. Khi siêu âm tim, hình ảnh thu được rất đặc trưng: mỏm tim phình to giống như một chiếc bình dùng bắt mực của người Nhật Bản. Tim co bóp khó khăn.
Khoảng năm 1990, ca đầu tiên được ghi nhận ở Nhật Bản và đặt tên là takotsubo – nghĩa là chiếc bình bắt mực.
Hội chứng trái tim tan vỡ dễ nhầm với nhồi máu cơ tim. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Đến nay, nguyên nhân và cơ chế của hội chứng trái tim tan vỡ chưa được xác định. Tuy nhiên, người ta nhận thấy 90% bệnh nhân là phụ nữ 55-75 tuổi, có thể liên quan đến hormone sinh dục nữ. Theo đó, estrogen không chỉ tạo ra những đặc trưng của phái đẹp, mà còn bảo vệ hệ tim mạch. Estrogen ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng suy giảm nên trái tim không được bảo vệ như trước.
Bên cạnh đó, khi stress hoặc căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tăng các hóa chất trung gian vận mạch, trái tim co bóp mạnh hơn, giúp cơ thể sẵn sàng đáp ứng với tình trạng sắp đến. Tuy nhiên, các hóa chất trung gian tiết ra quá nhiều sẽ khiến tim căng thẳng quá mức, dễ bị tổn thương.
Hội chứng trái tim tan vỡ cũng có thể xảy ra khi người bệnh trải qua đại phẫu. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng ghi nhận một phụ nữ bất ngờ lên cơn đau ngực, nghi nhồi máu cơ tim trong thời gian nằm viện. Siêu âm tim lại ghi nhận hình ảnh đặc trưng của hội chứng trái tim tan vỡ.
Bác sĩ Định chia sẻ, bệnh nhân đã bị căng thẳng quá mức vì vừa phẫu thuật trước đó. Sau điều trị khoảng 2 tuần, tình trạng được cải thiện.
Thống kê ghi nhận, trong số các trường hợp chẩn đoán nhồi máu cơ tim, khoảng 2% là hội chứng trái tim tan vỡ (do triệu chứng giống nhau). Tỷ lệ tử vong thấp, phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục và không gặp di chứng sau khoảng vài tuần điều trị.