Thay vì tìm cách thải độc bằng thực phẩm chức năng, bạn nên tạo thói quen tập luyện hàng ngày, hạn chế đưa không khí bẩn vào phổi.
Có nên thải độc phổi bằng thực phẩm chức năng?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh (Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết việc tìm các phương pháp thải độc phổi được nhiều người săn lùng, nhất là sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, không thể thải độc phổi bằng thuốc hay thực phẩm chức năng.
Bác sĩ này cũng nhấn mạnh dù rất nhiều loại thực phẩm chức năng quảng cáo có khả năng thải độc phổi nhưng đều chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng và khoa học. Do vậy, việc thải độc phổi bằng thuốc, thực phẩm chức năng không được y học khuyên dùng.
Đối với cách nín thở 20-30 giây để kiểm tra và cải thiện chức năng phổi đang được chia sẻ tràn lan trên mạng, bác sĩ Vinh cho rằng cách này không phù hợp với người có bệnh lý hoặc thể trạng yếu. Bởi việc nín thở sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy khiến não và nhiều cơ quan khác bị ảnh hưởng.
TS Nguyễn Như Vinh khám cho bệnh nhân. Ảnh BVCC.
Theo bác sĩ Vinh, người khỏe mạnh, không hút thuốc, không cần thiết phải kiểm tra sức khỏe của lá phổi. Tuy nhiên, nếu hút thuốc lá hoặc cảm thấy khó thở, thở khò khè nhất là khi gắng sức, bạn nên đến các cơ sở y tế để được đánh giá chức năng, tuổi sinh học của phổi. Vị chuyên gia này cho biết có trường hợp mới 50 tuổi nhưng tuổi sinh học của phổi tương đương người hơn 70.
Làm gì để lá phổi khỏe mạnh?
Theo bác sĩ Vinh, bạn cần thực hiện hai cách đơn giản, không tốn tiền như sau để giúp phổi khỏe mạnh:
Thứ nhất, không đưa không khí bẩn vào cơ thể.
Theo bác sĩ Vinh, mũi có tác dụng lọc khí và làm ấm trước khi đưa không khí vào phổi. Vì vậy, hít thở bằng mũi tốt hơn rất nhiều so với miệng. Ngoài ra, khi đến các khu vực không khí bị ô nhiễm, bạn cần mang theo khẩu trang để hạn chế bớt các phân tử độc hại xâm nhập phổi.
Đặc biệt, khói thuốc lá chứa rất nhiều chất hóa học gây độc cho phổi và hệ hô hấp như carbon monoxide, nicotine. Vì vậy, không hút thuốc và tránh xa môi trường có người hút thuốc là biện pháp cần thiết giúp bảo vệ phổi.
Thứ hai, luyện tập thường xuyên.
Rèn luyện thể dục thể thao không nhất thiết phải đến phòng tập, chúng ta có thể thực hiện bằng những sở thích, thói quen cơ bản như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội hay chơi những bộ môn thể thao yêu thích thường xuyên. Bạn có thể tập khí công, dưỡng sinh, yoga, giúp cải thiện chức năng của đường hô hấp.
Ngoài ra, người dân nên thực hiện động tác thở chúm môi để giúp phổi thông khí tốt hơn và tăng lưu lượng oxy.
Cách thực hiện:
– Ngồi trên ghế trong tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể.
– Hít vào bằng mũi, mím môi (hai giây).
– Nếu được, nín thở trong ba giây.
– Chúm môi để thở ra bằng miệng (4 giây).
– Lặp lại động tác hít vào, mím môi – thở ra, chúm môi cho đến khi nào cảm thấy giảm cảm giác khó thở.
Lưu ý: thời gian hít vào chỉ bằng nửa thời gian thở ra.