Ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến khiến bạn ngừng thở nhiều lần trong đêm, từ vài giây đến vài phút. Điều này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.
BS.Hoàng Minh Phú – Chuyên khoa Tai Mũi Họng cho biết, ngưng thở khi ngủ không chỉ khiến cho bạn cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày, mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, hen suyễn, ung thư và đặc biệt là đột quỵ. Đột quỵ là tình trạng máu không lưu thông đến một phần của não, gây tổn thương não và có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật.
Ngưng thở khi ngủ có liên quan đến đột quỵ bởi vì nó gây ra các biến động áp lực trong đường hô hấp, làm tăng áp lực trong mạch máu, giảm oxy máu và gây căng thẳng cho tim. Các yếu tố này có thể dẫn đến sự xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim, là những nguyên nhân chính của đột quỵ do tắc mạch máu não.
Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ cũng có thể gây ra sự gián đoạn của giấc ngủ, làm giảm khả năng tự điều chỉnh của não bộ và làm suy yếu các cơ chế bảo vệ não.
Không chỉ đột quỵ, ngưng thở khi ngủ còn có thể gây ra nhiều biến chứng khác cho sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, như:
- Buồn ngủ ban ngày, giảm năng suất lao động, tăng nguy cơ tai nạn giao thông
- Giảm trí nhớ, sút kém khả năng tập trung, trầm cảm
- Giảm ham muốn tình dục
- Béo phì
- Đái tháo đường
- Viêm xoang
- Nhức đầu
Phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ
Để tránh ngưng thở khi ngủ cũng như chứng đột quỵ ảnh hưởng tới cuộc sống, cần sớm đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Để điều trị ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng các phương pháp như:
- Điều trị nền tảng: giảm cân, ngừng hút thuốc, tránh rượu và thuốc an thần
- Sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) hoặc máy thở áp lực dương 2 mức (BiPAP) để duy trì đường thở thông thoáng khi ngủ
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ qua miệng hoặc thiết bị kích thích thần kinh đường hô hấp để giữ cho lưỡi và họng không bị sụp xuống
- Phẫu thuật để loại bỏ các mô gây tắc nghẽn như VA, amidan, lưỡi, xương hàm…
Để phòng ngừa ngưng thở khi ngủ, bạn nên:
- Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh béo phì
- Nằm nghiêng khi ngủ, tránh nằm ngửa
- Giữ cho đường hô hấp thông thoáng, tránh viêm xoang, viêm mũi
- Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh
- Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…