Hoang mang khi một bên ngực biến dạng, căng tức so với bên còn lại, chị H đi khám, bất ngờ khi được bác sĩ thông báo túi ngực độn đã bị vỡ.
Nữ bệnh nhân 31 t.uổi, quê Hà Nam, từng đặt túi ngực cách đây 4 năm. Gần đây chị thấy vùng ngực trái căng tức, biến dạng so với bên còn lại nên đi khám. Các kết quả siêu âm, chụp MRI (cộng hưởng từ) ghi nhận túi ngực bên trái bị vỡ, vùng khoang ngực xung quanh túi có nhiều dịch.
“Khi bác sĩ thông báo túi ngực bị vỡ, bệnh nhân rất ngạc nhiên, không hề hay biết”, bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách khoa, chia sẻ.
Đây là một trong 2 bệnh nhân được bác sĩ phát hiện vỡ túi độn ngực ngày 22/4. Trường hợp còn lại là người phụ nữ 55 t.uổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân đặt túi ngực từ năm 2010. Trong lần thăm khám tổng quát tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chị bất ngờ khi biết túi ngực bên trái đã vỡ. Trước đó, chị không nhận thấy dấu hiệu bất thường và 14 năm qua không nghĩ tới việc đi kiểm tra túi ngực hay thay túi vì tin rằng được “bảo hành vĩnh viễn”.
Hai trường hợp trên đều được chỉ định phẫu thuật sớm để lấy túi ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết, silicon gel thoát ra xung quanh, làm sạch khoang túi, đồng thời đặt túi ngực mới trở lại.
Theo phân tích của bác sĩ Hồng, túi ngực có thể bị vỡ do nhiều nguyên nhân, như vật sắc nhọn (kim khâu, kim tiêm, dao kéo), ngoại lực mạnh tác động từ bên ngoài khi túi ngực chất lượng đã kém… Túi vỡ còn có thể do chất lượng của nhà sản xuất hoặc sau thời gian độn lâu dài chất lượng sẽ kém dần.
“Vỡ túi ngực nếu không được phát hiện và xử lý sớm, dịch tích tụ nhiều có thể dẫn tới các phản ứng viêm, n.hiễm t.rùng lan rộng, gây biến dạng ngực, phải điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, khi ngực đã bị viêm nhiễm, nếu đặt túi độn lại sẽ tăng nguy cơ bị xơ dính, co bao”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Hoàng Hồng cho biết cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ nên thay túi ngực sau 10 năm và không nên để quá 15 năm. Thực tế, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân vỡ túi ngực do phẫu thuật độn túi ngực đã quá lâu (trên 10 năm).
“Đa số bệnh nhân đều chia sẻ khi đến các cơ sở thẩm mỹ xin tư vấn nâng ngực, hoặc sẽ được thuyết phục rằng ‘bảo hành trọn đời’, hoặc không được giải thích kỹ nên bệnh nhân chủ quan không nghĩ tới việc phải thăm khám lại hay thay túi ngực. Thực tế, không túi ngực nào có thể bảo hành vĩnh viễn”, chuyên gia này khẳng định.
Bác sĩ Hoàng Hồng khuyến cáo phụ nữ khi đặt túi nâng ngực cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như sưng đau, căng tức, ngực biến dạng… Trường hợp không phát hiện dấu hiệu bất thường, sau khoảng 7-8 năm nên siêu âm, chụp chiếu để kiểm tra túi và nên thay túi sau 10 năm.
6 tiếng tạo nên kỳ tích cho người phụ nữ bị đứt lìa bàn tay phải
Chỉ cứu được 1 ngón trên bàn tay phải, các bác sĩ đã chuyển 2 ngón từ chân lên, sử dụng nhóm gân gấp duỗi cổ tay để tạo bàn tay mới cho bệnh nhân.
Dù chỉ có 3 ngón, nhưng chị có thể vẽ tranh, xâu kim.
Nhìn tổn thương bàn tay phải của chị Nhiên (30 t.uổi) ở thời điểm nhập viện, không ai nghĩ bác sĩ có thể nối lại bàn tay đó. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giờ đây chị đã có bàn tay phải mới, có thể tự buộc tóc, cầm đũa, thậm chí xâu kim, vẽ tranh.
Cách đây 3 tháng, trong khi làm việc chị bị máy làm gạch cuốn dập đứt hoàn toàn bàn tay phải, đứt rời toàn bộ các ngón tay, toàn bộ gân gấp bị nhổ và duỗi các ngón tay phải từ I đến V. Sau tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu tại bệnh viện huyện, sau đó chuyển qua nhiều bệnh viện khác và cuối cùng chuyển tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Lần đầu tiên các bác sĩ đã tái tạo gân gấp duỗi ngón tay bằng cách sử dụng nhóm gân gấp duỗi cổ tay (Ảnh: BS).
BS Hoàng Hồng, Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, bệnh nhân vào viện với tổn thương phức tạp, việc xử lý, bảo quản chi thể đứt rời cũng không đúng cách (phần chi thể đứt rời dính nhiều đất cát).
Sau thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là một ca lâm sàng khó. Bệnh nhân đến viện muộn, bàn tay phải bị dập nát mạch m.áu thần kinh, nhổ hết toàn bộ gân gấp duỗi ngón tay, xử lý bảo quản phần chi đứt rời chưa đúng cách.
Tiên lượng chỉ có ngón III còn có hy vọng phục hồi, bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu nối giữ lại ngón này và chuyển thành ngón cái.
Với bàn tay mới, chị đã có thể tự buộc, tự cầm thìa để ăn cơm (Ảnh: BS).
BS Hồng cho biết thêm, sau đó khi phần mềm tay tổn thương được điều trị ổn định, các bác sĩ đã phẫu thuật lần 2 lấy 2 ngón chân đưa lên tạo hình thành 2 ngón tay nhằm tạo cung cầm nắm cho bệnh nhân.
Ekip mổ đã phẫu thuật kết hợp xương bàn ngón chân với xương bàn ngón tay, phẫu thuật tái tạo các ngón V, IV của bàn tay phải bằng hai ngón chân II, III bàn chân trái.
Các bác sĩ đã sử dụng gân gan tay dài để tạo gân ghép, sử dụng các gân gấp duỗi cổ tay để tái tạo gân gấp duỗi ngón cái. Đồng thời, tái tạo gân gấp duỗi ngón tay để nối với gân của ngón bàn chân chuyển lên, nhằm giúp các ngón tay ghép vận động được các động tác gấp duỗi.
Bệnh nhân vẽ tranh tặng gia đình, nhân viên y tế (Ảnh: BS).
Ca mổ kéo dài 6 tiếng. Theo BS Hồng, việc chuyển ngón chân lên ngón tay trong trường hợp các gân gấp duỗi ngón tay không còn sẽ phức tạp hơn nhiều so với những trường hợp mất các ngón tay nhưng vẫn còn đoạn các gân gấp duỗi.
“Chúng tôi đã tái tạo gân gấp duỗi ngón tay bằng cách sử dụng nhóm gân gấp duỗi cổ tay. Đây là kỹ thuật khó, cần các phẫu thuật viên kinh nghiệm chuyên sâu và cũng chưa từng thực hiện hay báo cáo trước đây”, BS Hồng nói.
2 tuần sau ca mổ, các ngón tay ghép từ ngón chân hồng ấm, sống hoàn toàn. Bệnh nhân đã có thể thực hiện các động tác trong sinh hoạt như buộc tóc, cầm bàn chải, cầm nắm được một số đồ vật, tự cầm thìa, đũa để ăn uống. Thậm chí, bệnh nhân có thể sử dụng bàn tay mới vào những hoạt động tinh xảo như xâu kim.
Chị cũng đã vẽ những bức tranh đẹp để tặng người thân cũng như nhân viên y tế.
BS Hồng cho biết, bệnh nhân được ra viện vào ngày 2/10, sau đó tái khám theo định kỳ để hướng dẫn, theo dõi tập luyện phục hồi ngón tay mới tốt và hiệu quả.
Bác sĩ khuyến cáo, để tránh xảy ra các tai nạn lao động đáng tiếc, người dân nên tuân thủ các quy định về an toàn lao động, sử dụng bảo hộ lao động an toàn, hợp lý theo quy định.
Nếu không may xảy ra bị tai nạn bị đứt rời chi, phần chi thể đứt rời phải được xử lý bảo quản đúng. Cụ thể, rửa sạch phần chi đứt rời dưới vòi nước, bọc kín bằng gạc sạch cho vào túi nilon cột kín, sau đó cho vào thùng nước đá lạnh và đưa bệnh nhân tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu có thể cấp cứu và xử lý phẫu thuật cho bệnh nhân.
Việc đến viện muộn hay xử lý phẫu thuật không tốt có thể khiến người bệnh bị tàn phế, khó khăn cho tạo hình phục hồi chức năng chi thể sau này.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.