Nam sinh 15 tuổi bị đau bụng, đi khám thì phát hiện chỉ có một bên thận, tắc ống tinh, nang túi tinh.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 2, bệnh nhân đã có các biểu hiện đau bụng mơ hồ. Lúc đó, em đã đi khám tại nhiều nơi nhưng chưa có biện pháp điều trị hiệu quả.
Gần đây, bệnh nhân cảm thấy khó chịu vùng hạ vị – đáy chậu, đặc biệt là khi đại tiện. Bệnh nhân đi khám nhiều nơi, được xác nhận có tình trạng nang túi tinh nhưng chưa được điều trị thỏa đáng.
Sau đó, bệnh nhân tới Bệnh viện Trung ương quân đội 108 khám do đau bụng không xác định nguyên nhân. Các bác sĩ đã chỉ định siêu âm ổ bụng, tầm soát các nguyên nhân và phát hiện túi tinh trái bệnh nhân có kích thước rất lớn.
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa và làm các xét nghiệm chuyên sâu như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, soi bàng quang, soi dạ dày, đại tràng…, các bác sĩ đưa ra nhận định bệnh nhân mắc hội chứng Zinner “rất hiếm gặp”.
Bệnh nhân chỉ có một bên thận, tắc ống phóng tinh và nang túi tinh cùng bên. Đây là 3 dấu hiệu điển hình của hội chứng Zinner.
Nam sinh được phẫu thuật nội soi (ảnh BSCC).
Các bác sĩ đã dùng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi tinh, sau 3 ngày nằm viện bệnh nhân khỏi bệnh, quay trở lại việc học tập và lao động thường ngày.
Hội chứng Zinner là gì?
Ths.Bs Nghiêm Trung Hưng, Khoa Nam học – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết hội chứng Zinner được bác sĩ Zinner lần đầu tiên mô tả từ năm 1914. Từ đó đến nay mới có khoảng hơn 200 trường hợp được báo cáo trên thế giới.
Hội chứng Zinner là tình trạng bất thường bẩm sinh hiếm gặp ở trẻ nam với đặc trưng bất sản thận, tắc ống phóng tinh và nang túi tinh cùng bên. Nguyên nhân là do sự phát triển bất thường phần xa của ống trung thận hoặc ống Wolffian vào tuần thứ 4 đến tuần thứ 13 của bào thai.
Theo bác sĩ Hưng, đa phần người bệnh sẽ không có triệu chứng cho đến khoảng 30-40 tuổi, đây là giai đoạn nam giới có các hoạt động tình dục – sinh sản cao.
Người mắc phải hội chứng này thường đến khám với các triệu chứng đa dạng như tiểu khó, xuất tinh đau, viêm mào tinh hoàn, đau vùng chậu – hạ vị hay đến khám vì vô sinh. Các triệu chứng này thường xuất hiện khi kích thước túi tinh lớn hơn 5 cm.
Để điều trị hội chứng Zinner, phương pháp mổ nội soi cắt túi tinh là tối ưu nếu bệnh nhân có triệu chứng, theo dõi định kì với bệnh nhân không có triệu chứng. Dẫn lưu qua niệu đạo hoặc qua trực tràng là phương pháp dành cho các trường hợp nang túi tinh áp xe hóa nhưng không triệt để.
Nếu không được điều trị kịp thời, nang có nguy cơ tăng kích thước, tăng nguy cơ biến chứng của bệnh và khó khăn khi điều trị.
Hội chứng Zinner có thể bị chẩn đoán nhầm với các bất thường về tiết niệu – sinh dục như thận lạc chỗ, mất chức năng, lỗ niệu quản đổ vào túi tinh, các nang từ tiền liệt tuyến…
Bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân nếu xuất hiện các triệu chứng như trên, nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Nam học để được chẩn đoán chính xác và điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng do điều trị muộn.